Tuesday, April 4, 2017

Lịch sử địa danh của xã Thiệu Quang từ đầu thế kỷ XIX đến nay

Quá trình hình thành và phát triển của  xã Thiệu Quang từ thế kỷ XIX cho đến nay
I. THỜI KỲ TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945
Đầu thế kỷ XIX thời vua Gia Long triều Nguyễn, theo sách "Các trấn tổng xã danh bị lãm", tương ứng với địa giới hành chính xã Thiệu Quang hiện nay có các thôn, xã sau:

1- Thôn Chu Trướng (hay Châu Trướng), thuộc xã Ngọc Trướng, tổng Hải Quật, huyện Yên Định, phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hoa. Tên gọi nôm na là làng Nồi hoặc Chiềng Nồi.

2- Xã Như Lăng (tên nôm gọi là làng Ngói), thuộc tổng Phùng Cầu(*), huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Thiên(**), trấn Thanh Hoa(***).

3- Xã Lỗ Tự (tên nôm gọi là làng Tử), thuộc tổng Phùng Cầu, huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hoa.

II. THỜI KỲ SAU CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945 ĐẾN NAY

Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, các đơn vị hành chính trung gian là phủ, châu, tổng bị bãi bỏ, lúc này, huyện Thụy Nguyên phân thành 2 huyện: Thiệu Hóa và Ngọc Lặc.

Lúc bấy giờ, địa phương có 4 thôn sau:
1- Châu Trướng (giữ nguyên tên như trước năm 1945)
2- Nhân Cao (đổi tên từ xã Như Lăng)
3- Tự Cường (đổi tên từ xã Lỗ Tự)
4- Cồn Cát (thường gọi là làng Mới)
Ở thời điểm đó, tất cả các thôn làng kể trên nằm trong đại xã Quảng Thịnh, huyện Thiệu Hóa.
Đến trước khi thực hiện công tác giảm tô (vào cuối 1953), đại xã Quảng Thịnh chia thành các xã Thiệu Quang, Thiệu Thịnh và một phần xã Thiệu Hợp.
Lúc này, xã Thiệu Quang vẫn gồm 4 thôn: Châu Trướng, Nhân Cao, Chí Cường (thay thế tên Tự Cường) và Cồn Cát.
Ngày 05/7/1977, thực hiện chủ trương sáp nhập các huyện, tỉnh nhỏ thành huyện, tỉnh lớn để tiến lên phương thức làm ăn lớn xã hội chủ nghĩa, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 177/CP về việc giải thể huyện Thiệu Hóa. 15 xã nằm trong vùng tả ngạn sông Chu (trong đó có xã Thiệu Quang) sáp nhập vào huyện Yên Định và lập ra huyện mới mang tên Thiệu Yên. 16 xã còn lại của huyện Thiệu Hóa ở hữu ngạn sông Chu sáp nhập vào Đông Sơn, lập ra huyện Đông Thiệu (năm 1982 đổi theo tên cũ là Đông Sơn).
Trong thời kỳ xây dựng hợp tác xã bậc cao toàn xã khoảng năm 1977 - 1978, cả xã được phân thành các đội sản xuất đánh theo số. Đến khi hợp tác xã chuyển đổi mô hình hoạt động năm 1992, các đội trên địa bàn đổi tên thành thôn như hiện tại (gồm 11 thôn).
Ngày 18/11/1996, huyện Thiệu Hóa được tái lập theo Nghị định số 72/CP của Chính phủ. Bắt đầu từ ngày 01/01/1997, tổ chức hành chính huyện Thiệu Hóa chính thức hoạt động trở lại và có địa giới hành chính giống như trước ngày 05/7/1977. Xã Thiệu Quang lại trở về là đơn vị hành chính của huyện Thiệu Hóa và giữ ổn định như vậy cho tới nay.
LỊCH SỬ ĐỊA DANH CỦA XÃ THIỆU QUANG TỪ ĐẦU THẾ KỶ XIX ĐẾN NAY
(Nguồn tham khảo: Đồng Khánh địa dư chí (1887), Địa chí huyện Thiệu Hóa (2010), Các tổng trấn xã danh bị lãm (2012), Wikipedia, v.v...).
----------------
Chú thích:
(*) Năm Tự Đức thứ 14 (1861), xã và tổng Phùng Cầu đổi tên thành Phùng Thịnh do kiêng húy chữ "Cầu" (tên húy mẫu thân Định vương Nguyễn Phúc Thuần là Nguyễn Thị Ngọc Cầu).
(**) Năm Gia Long thứ 14 (1815), phủ Thiệu Thiên đổi tên thành phủ Thiệu Hóa.
(***) Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), nhà vua thực hiện cải cách hành chính, đơn vị trấn đổi thành tỉnh, lúc này, trấn Thanh Hoa đổi thành tỉnh Thanh Hoa. Tiếp đó, năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), vì kiêng húy chữ "Hoa" (tên huý Hoàng thái hậu Hồ Thị Hoa - mẹ vua Thiệu Trị), đổi gọi tỉnh Thanh Hóa.

Các bạn có thể đọc thêm một số bài viết hay khác ở phía dưới.



Nguồn: Du Trần

No comments:
Write nhận xét