(Thiệu Quang Quê Tôi ) - Mới đây theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ áp dụng năm 2018, điều kiện xét tốt nghiệp THPT chỉ cần học sinh học đủ số môn và không phải thi tốt nghiệp như các năm trước.
Quy định về việc xét tốt nghiệp THPT là một điểm mới đáng chú ý nhất trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới lần này.
Học sinh không phải thi tốt nghiệp từ năm 2018
Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông công bố lần này nêu ra 3 hình thức đánh giá:
- Hình thức thứ nhất: Đánh giá thường xuyên do giáo viên phụ trách môn học tổ chức thực hiện dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, phụ huynh, bản thân học sinh và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp.
- Hình thức thứ hai: Đánh giá định kỳ do cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện. Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ GD&ĐT được cấp bằng tốt nghiệp.
- Hình thức thứ ba: đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương, do tổ chức kiểm định chất lượng cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tổ chức để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo đó, từ năm 2018, để được cấp bằng tốt nghiệp THPT, học sinh không phải trải qua kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay mà việc xét tốt nghiệp sẽ phụ thuộc vào việc đánh giá định kỳ do chính trường THPT tổ chức thực hiện.
Trả lời báo chí, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới tiết lộ, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã phân công Vụ Giáo dục trung học chủ trì, phối hợp với Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Ban Phát triển chương trình nghiên cứu, đề xuất lộ trình đổi mới đánh giá kết quả giáo dục và xét tốt nghiệp khi cấp THPT triển khai chương trình mới.
Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới được công bố lần này để lấy tham khảo ý kiến rộng rãi trong xã hội. Sau đó, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu ý kiến và công bố chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức và áp dụng từ năm học 2018 - 2019.
Các bạn có thể đọc một số bài viết hay khác ở phía dưới.